Nâng “chất” cho thống kê kinh tế Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2023 |
Khắc phục bất cập về số liệu
Bắt đầu từ tháng 9/2024, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ thay đổi thời gian công bố báo cáo kinh tế – xã hội tháng theo quy định mới tại Nghị định số 62/2024/NĐ-CP. Nói về lý do thay đổi, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Thứ nhất, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, số liệu thống kê phải thống nhất giữa các cơ quan, địa phương và phản ánh tình hình kinh tế-xã hội trọn tháng, quý, năm báo cáo.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ thay đổi thời gian công bố báo cáo kinh tế-xã hội tháng theo quy định mới tại Nghị định số 62/2024/NĐ-CP (Ảnh NH) |
Thứ hai, xuất phát từ thực trạng công tác thống kê hiện nay, quy trình thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm để cơ quan thống kê có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Trung ương dẫn đến một số hạn chế, bất cập.
Đó là, thông tin thu thập phản ánh không đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau…
Với quy định công bố vào ngày 29 hàng tháng dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do bộ, ngành có liên quan công bố vì thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng, cần thiết phải thay đổi lịch công bố, phổ biến thông tin thống kê.
Thay vì công bố số liệu kinh tế – xã hội vào ngày 29 hàng tháng, bắt đầu từ tháng 9/2024, Tổng cục Thống kê sẽ công bố vào ngày mùng 6 của tháng sau (Ảnh: NH) |
Phản ánh sát hơn diễn biến tình hình kinh tế – xã hội
Trước thông tin thay đổi báo cáo số liệu thống kê kinh tế – xã hội, nhiều ý kiến băn khoăn, việc thay đổi thời gian phổ biến thông tin thống kê theo quy định mới có phù hợp với thông lệ quốc tế không? Liên quan đến vấn đề này, theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để công bố một chỉ tiêu thống kê phải thu thập từ nhiều nguồn như dữ liệu hành chính, báo cáo thống kê, điều tra thống kê… Các nguồn tin này đều bắt đầu được thu thập từ cơ sở và gửi đến các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại thống kê địa phương, số liệu này được kiểm tra, tổng hợp sau đó gửi lên các đơn vị nghiệp vụ chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê. Sau đó, các số liệu cũng trải qua quá trình được các chuyên gia thống kê tổng hợp, xác minh, phân tích từ Vụ chuyên ngành đến Vụ tổng hợp chung.
“Qua mỗi công đoạn đều cần thời gian xử lý, ít nhất từ 1-2 ngày. Đó là chưa kể phải xử lý dữ liệu chiết xuất từ dữ liệu hành chính hay số liệu từ chế độ báo cáo của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty…” – bà Nguyễn Thị Hương khẳng định và cho biết: Theo lịch phổ biến thông tin thống kê trước đây, Tổng cục Thống kê phải công bố báo cáo kinh tế-xã hội vào ngày 29 hằng tháng, nghĩa là số liệu thống kê thu thập để xử lý không phải là số trọn vẹn của tháng.
Khi Nghị định số 62/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các số liệu thống kê được công bố vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo, lùi thời gian công bố chậm hơn so với hiện nay 6-7 ngày thì Việt Nam vẫn là một trong những nước công bố số liệu sớm nhất trên thế giới. Điển hình, lịch công bố chỉ tiêu GDP quý I/2023 của Canada, Pháp, Hàn Quốc sau 2 tháng; của Mỹ, Đức, Singapore sau hơn 1,5 tháng; của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sau 1,5 tháng…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, bên cạnh phù hợp với thông lệ quốc tế, dưới góc độ nghiệp vụ thống kê, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế-xã hội có một số ưu điểm như thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh của một kỳ báo cáo, góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được cập nhật, đầy đủ hơn; ngành Thống kê có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo; số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội cả nước.
Lịch phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng theo Nghị định 62/2024/NĐ-CP ngày 7/6/2024:
– Số liệu chính thức Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo. – Số liệu ước tính tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: Ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo. – Số liệu sơ bộ tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: Ngày 6 của tháng đầu tiên của quý thứ hai sau quý báo cáo. – Số liệu ước tính tỷ lệ thất nghiệp: Ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo. – Số liệu sơ bộ tỷ lệ thất nghiệp: Ngày 6 của tháng đầu tiên của quý thứ hai sau quý báo cáo. – Báo cáo kinh tế-xã hội tháng, quý I, quý II và 6 tháng, quý III và 9 tháng, quý IV và cả năm: Ngày 6 của tháng kế tiếp sau kỳ báo cáo. Thời gian công bố số liệu GDP: – Số liệu ước tính quý I; sơ bộ quý IV năm trước năm báo cáo: Ngày 6/4 năm báo cáo. – Số liệu ước tính quý II, 6 tháng và ước tính cả năm lần 1; sơ bộ quý I: Ngày 6/7 năm báo cáo. – Số liệu ước tính quý III và 9 tháng; sơ bộ quý II và 6 tháng: Ngày 6/10 năm báo cáo. – Số liệu sơ bộ cả năm: Ngày 6/10 năm kế tiếp sau năm báo cáo. |