Sáng ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Theo kế hoạch, nội dung chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ liên quan đến trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN); công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán cũng nằm trong nhóm chất vấn lần này.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên vị tư lệnh ngành Kiểm toán trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn sáng 5/6. (Ảnh: QH) |
Phát lộ nhiều vụ án dù kiểm toán đã vào cuộc từ trước, trách nhiệm thuộc về ai?
Một trong số câu hỏi có nội dung nóng, được dư luận quan tâm, đến từ Đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long), đó là trong thời gian qua, xuất hiện các dự án đầu tư xây dựng qua đấu thầu đã được Kiểm toán nhưng không phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng vào làm việc thì các sai phạm tại đây lại được vạch trần.
Đại biểu Trịnh Minh Bình hỏi Tổng KTNN lý giải thế nào về vấn đề này? Đồng thời đề nghị đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời nội dung trên, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết theo quy định của pháp luật, đối tượng kiểm toán là sử dụng tài chính công, tài sản công và đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Luật hiện hành đã quy định rõ 12 nhóm đơn vị này.
Ông Ngô Văn Tuấn nói, thời gian gần đây, có một số vụ án lớn liên quan đến hoạt động đấu thầu, chẳng hạn là hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, cơ quan chức năng đã phát hiện có sai sót trong đấu thầu. Song, đây là 2 đơn vị doanh nghiệp, không có vốn Nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán.
“Xét về đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Hoạt động kiểm toán của chúng tôi thực hiện ở đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Trong quá trình kiểm toán thực hiện cả 3 nội dung là đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính. Xác nhận việc tuân thủ pháp luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công“, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Vẫn theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong việc kiểm toán chấp hành pháp luật về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp thì kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính.
Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, trong đó, riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xét việc chấp hành mời thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) đặt câu hỏi về trách nhiệm của KTNN trong những trường hợp KTNN vào thực hiện kiểm toán tại các dự án đầu tư, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập… không phát hiện sai phạm, nhưng sau đó cơ quan khác lại tìm ra sai phạm thất thoát, tham ô, tham nhũng tại đây.
“Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay trách nhiệm của cơ quan KTNN trong sự việc này?”, Đại biểu Hà Đức Minh thắc mắc.
Về câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng Điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã quy định rất rõ, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra trong trường hợp mà đã tiến hành kiểm toán, thanh tra, điều tra mà không phát hiện sai phạm, đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp, thì phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm thế nào.
Theo đó, đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành không phát hiện sai phạm, nhưng khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kỳ kiểm toán mà lại phát hiện sai phạm, thì cần phải làm rõ trách nhiệm, nếu có lỗi thì phải xử lý tùy theo mức vi phạm, từ hành chính đến hình sự. Trách nhiệm của ai thì xử lý người đấy, của cá nhân thì xử lý cá nhân, tập thể thì xử lý tập thể.
“Tuy nhiên, gần 30 năm hoạt động, KTNN chưa có trường hợp nào phải xử lý như vậy”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Luôn chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm toán
Tiếp nối khuôn khổ phiên họp, Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nêu vấn đề: Hiện nay, mô hình KTNN đang được phân theo khu vực. Trong đó, một khu vực sẽ thực hiện kiểm toán thường xuyên với một địa bàn. Vậy mô hình tổ chức này có đảm bảo được tính độc lập, tính khách quan và liệu có thể nảy sinh ra những tiêu cực trong mối quan hệ giữa kiểm toán khu vực và các địa phương hay không. Giải pháp của KTNN trong vấn đề này là gì?
Trước câu hỏi của Đại biểu Triệu Thị Huyền, vị tư lệnh ngành Kiểm toán cho biết, mô hình tổ chức của KTNN là 32 đơn vị, được phân 1.974 biên chế, trong đó bao gồm 8 cơ quan tham mưu, 8 cơ quan kiểm toán chuyên ngành, 13 khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất. Thực hiện Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, KTNN đang làm rất mạnh, rất quyết liệt công tác luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ, để triệt tiêu tình trạng thông đồng, thân quen rồi dẫn tới tiêu cực.
“Theo quy định, từ 2 – 3 năm là các nhân sự, cán bộ phải luân chuyển, luân phiên điều động trong công tác kiểm toán đối với từng địa phương và từng khu vực. Thậm chí, thực hiện luân chuyển cán bộ từ trụ sở chính về khu vực, rồi luân chuyển trong nội bộ khu vực, luân chuyển địa bàn, lĩnh vực.”
Với cách làm này, Tổng Kiểm toán Nhà nước kỳ vọng đã và đang hạn chế tối đa được vấn nạn quan hệ thân hữu, giúp công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) dẫn lời Báo cáo số 599 mới đây của KTNN, cho biết KTNN đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét ,xử lý. Đồng thời, KTNN tự đánh giá hiện KTNN chỉ phát huy vai trò hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi, vậy theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân do đâu và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Về câu chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết trong 5 năm qua (2019 – 2023), ngành kiểm toán đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Với phương châm thận trọng, các dấu hiệu phải rõ thì KTNN mới chuyển, nhưng không có nghĩa vai trò phòng chống tham nhũng của KTNN bị hạn chế đi.
Ông Ngô Văn Tuấn cho hay, một trong những nhiệm vụ KTNN hết sức coi trọng là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong 5 năm đấy, KTNN đã cung cấp 1.609 hồ sơ báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
“Như vậy, không có nghĩa chúng tôi không chuyển hồ sơ lên Cơ quan Điều tra thì không có tác dụng. Mà ở đây, chính là những tài liệu đầu vào là cơ sở giúp cơ quan chức năng đẩy nhanh, hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố hình sự các đối tượng tham nhũng, tiêu cực“, ông Tuấn nói và khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn; theo dõi đôn đốc và nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để cho phát hiện của kiểm toán rõ hơn và thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng”.