Sáng 18/12, phiên toàn thể của diễn đàn Mekong Connect 2024 diễn ra với chủ đề Nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực cho liên kết bền vững vùng ĐBSCL – TPHCM và cả nước.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 do UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND TPHCM tổ chức cùng sự đồng hành của UBND các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Cần sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TPHCM
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, ĐBSCL gồm 13 địa phương, trong đó có 6 thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Trong đó, điểm số và thứ hạng đổi mới sáng tạo của các địa phương vùng ĐBSCL chia làm 3 nhóm khá rõ: Cần Thơ và Long An ở nhóm đầu; Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang và Trà Vinh ở nhóm thứ 2; Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang ở nhóm thứ 3.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ĐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào, là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, vùng này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
“Tôi cho rằng sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TPHCM – trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước – chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, bắt kịp xu hướng của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói.
Để đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững, ông Huỳnh Thành Đạt đưa ra 2 nhiệm vụ trọng tâm mà ĐBSCL cần cùng tập trung nghiên cứu.
Đầu tiên là chủ động đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo hướng thí điểm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động theo chiều sâu.
Tiếp đó, ĐBSCL cần tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trong vùng, gắn với các lĩnh vực khai thác tốt thế mạnh của vùng.
TPHCM cam kết là đầu tàu liên kết phát triển kinh tế cho ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM – đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa TPHCM với ĐBSCL rất lớn, tuy nhiên kết quả đến nay chưa được như mong muốn, hoạt động liên kết vùng chưa đi vào chiều sâu do còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Hải, TPHCM với nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương, sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu liên kết trong bối cảnh mới, xu hướng phát triển mới của thế giới, giúp toàn vùng ĐBSCL phát triển tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu trong giai đoạn 5 năm (2021-2025).
Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSCL, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành.
Cũng tại hội nghị, ông Hồ Văn Mừng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết, Mekong Connect là Diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng ĐBSCL, mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia.
Đồng thời, đây cũng là mục tiêu gắn kết, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với TPHCM. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Các địa phương, doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.
Diễn đàn Mekong Connect 2024 là sáng kiến liên kết vùng mang tính chiến lược, ra đời từ năm 2015, do mạng lưới ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) phối hợp thực hiện, với sự tham gia của TPHCM.
Tính đến nay, Mekong Connect đã tổ chức được 8 kỳ thành công và đây là lần thứ 9 sự kiện trở lại với sự đồng tổ chức của UBND tỉnh An Giang và UBND TPHCM.
Năm nay, Diễn đàn Mekong Connect 2024 chào đón sự gia nhập chính thức của hai tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang.
Mekong Connect 2024 tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt để đẩy mạnh hợp tác là kinh tế, thương mại và công nghệ. Đây là nền tảng để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TPHCM và cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.