Nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay
Ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Về triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội |
Trong bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cơ quan thuế và hải quan để hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, về cơ bản tình hình hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước đã bảo đảm thời gian quy định.
Về thu ngân sách nhà nước, ông Lê Quang Mạnh cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách nhà nước 3 tháng ước đạt 33,3% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán, 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, yếu tố thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2024 xuất phát từ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh không nhiều mà nguyên nhân chủ yếu từ các khoản thu phát sinh quý IV và chênh lệch quyết toán năm 2023 hạch toán sang năm 2024.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ do một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn giảm mạnh. Giá dầu thô vẫn ở mức cao so với dự toán, phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần bám sát tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt là diễn biến giá dầu thô, giá nguyên vật liệu; tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo sát sao trong công tác hành thu của cơ quan thuế, hải quan, kịp phát hiện và kiến nghị về xử lý thu vào ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao.
Về chi và cân đối ngân sách nhà nước, đối với chi thường xuyên, ông Mạnh đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ.
Đối với khoản chi đã phân bổ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành, tránh thất thoát, lãng phí.
Đối với chi đầu tư phát triển, ông Mạnh nêu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn khá chậm, mới đạt 13,3% dự toán Quốc hội quyết định, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cùng với việc còn một lượng vốn xây dựng cơ bản chưa được phân bổ, thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra càng cấp bách, đặc biệt là đối với các địa phương cần phải giải ngân trước thời điểm vào mùa mưa sắp tới.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về: Tình hình bố trí thu hồi số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thực trạng và việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2024 đã được Quốc hội cho phép của Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết số 104/2023/QH15.
Về cân đối ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 4/2023 đã thực hiện phát hành gần 80,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn 11,53 năm, lãi suất bình quân 2,24%. Nhiều ý kiến cho rằng, so với năm 2021 và năm 2022, mặc dù lãi suất có xu hướng giảm song kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành ngắn hơn. Điều này tạo sức ép kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách nhà nước.
Do vậy, đề nghị có phương án phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp trong giai đoạn cuối năm, bảo đảm kỳ hạn vay dài và lãi suất bình quân ở mức hợp lý, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay.
Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai
Nêu một số giải pháp, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số thu vào ngân sách nhà nước; có giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất – kinh doanh phát triển. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc phân bổ, giao dự toán, chống thất thu, xử lý nghiêm và kịp thời hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giá hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII; triển khai nghiêm túc, quyết liệt việc huy động và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm. Tăng cường quản lý tài sản công, đặc biệt là đất đai, tài nguyên.
Kịp thời hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2023 đúng quy định tại Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội; sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phân bổ số kinh phí chưa phân bổ của ngân sách Trung ương (43.281,077 tỷ đồng) tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.