Ngày 10/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) tổ chức hội thảo tìm các giải pháp chuyển đổi số dành cho ngành logistics.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM cho biết, theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, ngành logistics cần phải đổi mới, để tìm ra các giải pháp thích nghi, hướng đến phát triển bền vững.
Bà Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, ngành logistics nước ta đang được xếp hạng 43/160 trên thế giới và thuộc top 5 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics đang cao hơn mức trung bình của thế giới (xấp xỉ 8-11% GDP) và khoảng 30% thị phần thuộc về 90% doanh nghiệp logistics nội địa.
Để phát triển ngành logistics, bà Lan đề xuất xây dựng “tư duy số”, lựa chọn nguồn nhân lực có kiến thức, nhạy bén với ứng dụng công nghệ để xây dựng ý tưởng, mạnh dạn áp dụng mô hình chuyển đổi số tiên tiến…
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA) đặt vấn đề, hiện nay hàng hóa từ Trung Quốc đến Hà Nội nhanh và rẻ hơn từ TPHCM ra phía Bắc. Để đạt được kết quả này, có thể nhìn nhận ở nước bạn có hệ thống giao thông, phương tiện vận tải tốt; hệ thống kho bãi và hệ thống thu gom – đóng hàng – nhận hàng tốt.
Bên cạnh đó, ngành logistics nước ta có thể tham khảo hệ thống điều hành doanh nghiệp và chuỗi doanh nghiệp từ nước bạn trong chuỗi cung ứng, với việc ứng dụng tối đa công nghệ và công nghệ thông tin, để tiết kiệm thời gian và nhân lực.
“Thời gian và chi phí logistics cần được tiết kiệm ở từng khâu trong chuỗi cung ứng mới có thể tăng tính cạnh tranh. Khối lượng hàng hóa càng lớn, thời gian tích lũy tiết kiệm càng lớn”, ông Tuấn nói.