Chiều 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự phiên họp.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp thu tất cả những nội dung đóng góp này để chúng tôi hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Đặc biệt, các ý kiến hôm nay tại hội nghị các đại biểu nêu từ sửa tên chương, tên mục, các khái niệm, các nội dung cụ thể từ chuyển nguồn, phân định nhiệm vụ, phân nhóm miễn trừ, giao nhiệm vụ và vốn điều lệ, chúng tôi thấy rất tâm huyết. Những điều này chúng tôi sẽ đưa vào luật và chắc chắn chúng tôi thực hiện Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”- Bộ trưởng cho biết.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng báo cáo Quốc hội một số vấn đề để làm rõ:
Thứ nhất, về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là một nội dung được các đại biểu quan tâm và đã phát biểu ý kiến. Việc thành lập Quỹ quốc phòng an ninh là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh mà các sản phẩm này có tính mới và cũng có tính rủi ro rất cao.
Thứ hai, lấy dẫn chứng về lĩnh vực quân nhu, việc nước ta phải nhập khẩu áo giáp cá nhân nhưng bây giờ ngành công nghiệp quốc phòng của ta đã sản xuất được áo giáp cá nhân nhẹ chỉ bằng 2/3, có loại chỉ nặng bằng một nửa các loại áo giáp mà ta đã nhập khẩu của các nước tiên tiến, “chúng ta tự chủ rất cao”, Bộ trưởng khẳng định.
Dẫn chứng, đối với các phương tiện mà chúng ta đang thực hiện như các loại máy bay không người lái (UAV), có loại UAV đại biểu nêu là cự ly bay xa đến hàng nghìn cây số, rất nhiều nước dùng. Từ thời đánh Mỹ thì máy bay không người lái cũng đã có rồi, UAV trước là bay về mới biết được kết quả nhưng bay đến đâu biết kết quả đến đấy, điều chỉnh nhiệm vụ đến đấy và nó không dùng hệ thống GPS nữa. Có nghĩa là từ vệ tinh dẫn xuống để điều khiển cho nên radar chúng ta cũng không phát hiện được. Bài toán này không dễ và chúng ta cũng đang nghiên cứu và bước đầu cũng có những thành công nhất định.
“Đặc biệt, nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình của sử dụng ngân sách nhà nước cũng có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Học tập ở các nước phát triển công nghiệp trên thế giới, người ta đều có quỹ này. Các đại biểu đã phát biểu, tôi xin nói thêm tính đặc thù của quỹ để chúng ta khi cần có thể sử dụng được ngay”, Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn chứng.
Thứ ba, về giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh theo ý kiến của đại biểu Đoàn Bắc Ninh: “Lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của chúng ta có rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, có những sản phẩm có khi chỉ vài chục tỷ đồng cho nên không thể nhiều nhà máy, nhiều cơ sở sản xuất đạt được, chỉ một nhà máy, một cơ sở làm, cơ sở nào mang tính chuyên dụng rất cao, rất sâu thì buộc phải chỉ định cho cơ sở đó sản xuất, không thể đấu thầu với cơ sở khác được”.
Theo Bộ trưởng, các sản phẩm quốc phòng hiện nay rất đa dạng, phong phú, mang tính thời sự rất cao để chúng ta đáp ứng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những huấn luyện trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bây giờ đưa ra huấn luyện trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc hiện nay thì rất nhiều nội dung không phù hợp, kể cả chiến thuật, kể cả kỹ thuật.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nói về phát triển công nghiệp quốc phòng đã xác định “công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù”. Cho nên, “chúng tôi đề nghị quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và hơn nữa là giao cho Chính phủ quy định chi tiết những điều cụ thể này”- Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu ý kiến.
Về cơ chế, chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết: “Chúng ta xác định công nghiệp quốc phòng, an ninh là tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Trên thế giới những tiên tiến của khoa học công nghệ đều dành cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Về chuyển giao khoa học công nghệ quân sự, Bộ trưởng nhấn mạnh “tính bí mật đã thắng 50%” nên các nước chỉ chuyển giao những công nghệ không còn tiên tiến, không còn ưu thế trên chiến trường. Ngoài những nội dung báo cáo giải trình, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay để chỉnh lý bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật.