Xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của UBND cấp tỉnh
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới |
Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ông Lê Tấn Tới cho hay, về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8), có ý kiến đề nghị xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của các cấp chính quyền địa phương đối với các loại đường bộ.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của các cơ quan trong quá trình chỉnh lý, để phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 4 Điều 8 theo hướng xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc quản lý đối với các loại đường bộ thuộc địa phương quản lý.
Quy định này cơ bản kế thừa quy định hiện hành về quản lý đối với các loại đường địa phương đã được thực hiện ổn định theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008; đồng thời tăng tính chủ động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giao quản lý các đường địa phương cho chính quyền cấp huyện, xã, đảm bảo việc giao quản lý gắn trực tiếp với chính quyền cơ sở.
Theo đó, chỉnh lý khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 37 để quy định trách nhiệm đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ phù hợp với cấp quản lý đường bộ theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật.
Quy định về đầu tư, xây dựng, phí sử dụng đường cao tốc
Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47), trên cơ sở thảo luận trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nội dung khoản 5 Điều 47 là phù hợp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối trong việc kiểm soát tổng mức đầu tư đối với các dự án được tách thành các tiểu dự án, dự án thành phần.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ |
Vì vậy, trên cơ sở thống nhất với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung đoạn 2 khoản 5 Điều 47 để quy định nội dung này như sau: “Trường hợp quyết định tách dự án thành các tiểu dự án, dự án thành phần, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chịu trách nhiệm rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các tiểu dự án, dự án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư”.
Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50), ông Lê Tấn Tới nêu rõ, theo báo cáo của Ban soạn thảo, tại khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật Đường bộ quy định “Các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2024.”.
Theo đó, quy định này sẽ có hiệu lực sớm nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: Đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí (phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị, công nghệ thu phí); xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ…
Sau khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực sẽ thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc. Mặt khác, đây là một chính sách mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi một số dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu.
Vì vậy, cần phải tổng hợp, thống kê đối với tính chất và nhu cầu của từng dự án để chuyển tiếp phù hợp, khả thi, trong đó có cân nhắc đến các yếu tố hiện trạng dự án, yêu cầu về trang thiết bị thu phí, việc bố trí vốn, thời gian lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư lắp đặt trang thiết bị và vận hành thu phí.
Để đảm bảo các yêu cầu nêu trên và tránh việc hiểu ngày 1/10/2024 sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc, theo đề nghị của Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 3 Điều 50, cụ thể như sau: “3. Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đối với đường cao tốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47 của Luật này.”.
Cũng theo báo cáo của Ban soạn thảo, dự kiến nội dung này được quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đường bộ theo hướng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác được thu phí và triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Công trình đường bộ cao tốc đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng; hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí theo hình thức điện tử không dừng; hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định; có quy định về mức thu, chế độ quản lý thu phí sử dụng đường cao tốc…
Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền đầu tư, quản lý đường cao tốc, thống nhất với pháp luật về phí và lệ phí, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật để bổ sung nội dung giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với các tuyến đường cao tốc do địa phương đầu tư.