Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Việt Nam vào thời điểm phù hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ngày 17/6, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/01/1950.
Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.
Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Ngày 27/7/2012, hai nước ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 30/11/2021, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược đến năm 2030.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Lễ nhậm chức Tổng thống Nga tại Điện Kremlin, ngày 7/5/2024 |
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga có độ tin cậy chính trị cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Mới đây nhất, vào ngày 26/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin sau khi ông giành được chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga.
Hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng… Ngoài ra, hai Bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hiện tại, mối quan hệ kinh tế song phương được đánh giá là chưa đạt hết tiềm năng và chưa xứng tầm với lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trong khuôn khổ ASEAN, tiềm năng của quan hệ kinh tế Việt Nam – Nga còn được mở rộng thêm khi Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối giữa Nga và các nền kinh tế thành viên ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn hợp tác với BRICS – “câu lạc bộ” mà Nga giữ vai trò thành viên sáng lập và hiện đang đẩy mạnh hợp tác nội khối.
Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước tiếp tục được củng cố. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Về đầu tư, Nga hiện có 186 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 984,98 triệu USD (xếp thứ 28/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam), được thực hiện tại 21 địa phương, trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Việt Nam hiện có 18 dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD (đứng thứ 4/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hóa – Thương mại Hà Nội – Moscow, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga.
Việt Nam và Liên bang Nga đều hết sức chú trọng phát triển kinh tế số, đặt mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính thời gian tới. Điều này mở ra những cơ hội hết sức to lớn cho hợp tác giữa hai nước nói chung, doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Theo đó, hiện đã có một số dự án hợp tác kinh tế số đang được triển khai giữa hai nước, như trong các lĩnh vực an ninh mạng, thành phố thông minh, số hóa ngân hàng, kinh doanh kỹ thuật số giải pháp…
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các Tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Zarubezneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp dầu khí hai nước đang xem xét, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như điện khí, năng lượng tái tạo…
Hai Bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ARF, CICA… Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hợp tác quốc phòng, an ninh được tăng cường trên tinh thần “tin cậy, thực chất, hiệu quả, toàn diện”. Nga là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hợp tác giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ tiếp tục được quan tâm.
Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và trao 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam mỗi năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì. Hiện nay, đã có khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương hai nước được thiết lập, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moscow, Saint Petersburg.
Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga có khoảng 60-80 nghìn người, có nhiều đóng góp cho đất nước, hướng về Tổ quốc. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh.
Kể từ năm 1991 đến nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết trên 100 văn kiện hợp tác thuộc tất cả lĩnh vực như kinh tế – thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục – đào tạo, văn hóa – khoa học, kỹ thuật quân sự.