Ngày 26/4, nhân Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo TP. Hà Nội thành kính dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư tại di tích Ngôi nhà lưu niệm – 90 phố Thợ Nhuộm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo TP. Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư tại di tích Ngôi nhà lưu niệm 90 phố Thợ Nhuộm |
Di tích nhà 90 Thợ Nhuộm là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến. Đây là nơi Tổng Bí thư Trần Phú – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc, đã dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng.
Cùng ngày, tại khu Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên cũng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại di tích. Ảnh: Báo ND |
Thành An Thổ – nơi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú đã được xếp hạng là Di tích Khảo cổ Quốc gia vào năm 2005. Nơi đây được chính quyền địa phương thường xuyên duy tu, tôn tạo, đảm bảo việc trưng bày các hiện vật khảo cổ; giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú. Các hoạt động giúp truyền tải đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử đến người dân và khách du lịch gần xa.
Bên cạnh các tuyến du lịch kết nối di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được hình thành, tỉnh Phú Yên đang tập trung xây dựng tuyến du lịch kết nối Di tích thành An Thổ với địa điểm du lịch khác trên địa bàn như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến… tạo nên điểm nhấn trong hành trình về “miền di sản Tuy An”.
Trước đó, sáng 17/4, tại quê hương đồng chí Trần Phú, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01/5/1904 – 01/5/2024), nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh.
Tại lễ kỷ niệm diễn ra Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Song song với đó là Hội thảo khoa học với chủ đề “Tổng Bí thư Trần Phú – chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú. |
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Hà Tĩnh cũng xây dựng phim tài liệu; sưu tầm, trưng bày, triển lãm tài liệu, hiện vật, kỷ vật về Tổng Bí thư Trần Phú; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú trong toàn ngành giáo dục; chỉnh trang khu lưu niệm, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú và các công trình liên quan tại huyện Đức Thọ – quê hương của ông…
Cũng sự kiện này, ngày 24/4, Ủy ban Nhân dân quận 5 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh.
Trải qua nhiều năm, di tích này ngày càng xuống cấp, các tài liệu, hình ảnh trưng bày bị mờ, trầy xước, một số bị rách. Nhiều phòng giam phải đóng cửa, ngừng phục vụ khách tham quan, chỉ có phần khuôn viên bên ngoài được mở để người dân vào thắp hương…
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, được sinh ra tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay là xã An Dân, huyện Tuy An), nơi cha làm giáo thụ. Nguyên quán của ông ở làng Đông Thái, xã An Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An, hiện nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Chân dung Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam |
Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị của mình, cố Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng các cấp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản.
Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản ngày 11/4/1931 đã thống nhất quyết nghị: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ đây được công nhận chi bộ của Quốc tế Cộng sản” là bước tiến quan trọng, in đậm dấu ấn, công lao của cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Với chí khí của người cộng sản kiên trung, đồng chí Trần Phú hiên ngang trước những thủ đoạn hèn hạ của kẻ thù, khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Do bị tra tấn cực hình, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư chỉ gần 10 năm, nhưng đồng chí đã đóng góp to lớn, để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.