Chiều 20/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện, góp ý 5 dự án BOT xây dựng nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu ở TPHCM theo Nghị quyết 98, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành); dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Đa số các địa phương có dự án đi qua như quận 7, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, đều nhận định khi triển khai các dự án BOT này sẽ giúp giải tỏa ùn tắc giao thông quanh khu vực, phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Nhiều người dân đang rất mong mỏi dự án sớm được triển khai, xác định ranh dự án để an tâm sinh sống.
Là người dân sống tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, ông Tô Hồng Giang đề nghị TP áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý, quá trình thi công hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực.
Bà Trần Thị Hương (ngụ quận 8) cho biết, người dân thuộc phạm vi xây dựng cầu Bình Tiên đã chờ đợi rất lâu, nhưng đến nay, bà Hương chưa được tiếp cận phương án bồi thường, di dời ra sao.
“Mỗi ngày, người dân sống trong mong chờ. Nay TPHCM quyết tâm thực hiện thì tôi mong TP sớm trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất đưa phương án, thông tin đến người dân”, bà Hương chia sẻ.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, hiện 5 dự án cơ bản hoàn thành phần chuẩn bị, TP đang lập đoàn liên ngành để thẩm định. Dự kiến trong tháng 3/2025, TP trình thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Theo ông Lâm, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành dự án riêng để triển khai ngay, trong quý II-III/2025, các đơn vị tập trung hoàn thành báo cáo khả thi, dự kiến cuối năm 2025 khởi công dự án.
“Đây là các trục chính của đô thị, kết nối từ Vành đai 2, 3, đa phần đi trên cao, khác mức, để giải quyết nhanh lưu lượng giao thông. Do đó, việc thi công cần được cân nhắc kỹ để giảm thiểu ảnh hưởng người dân xung quanh tuyến đường”, ông Lâm nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, các đơn vị tư vấn đã đề xuất thi công trên cao đối với 3 dự án: nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam và dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên.
Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, việc bố trí cầu vượt sẽ có nhiều nhược điểm. Cụ thể, phương án cầu vượt có tác dụng chống ùn tắc, nhưng chỉ giúp thông thoáng cho những tuyến đường có lối lên – xuống cầu; trong khi đó, hướng còn lại vẫn xảy ra ùn tắc.
Còn phương án xây đường trên cao lại có chi phí phát sinh rất cao và kéo theo nhiều vấn đề kỹ thuật, bảo trì sau khi đưa vào hoạt động.
Góp ý tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ quy mô cần thiết để giảm chi phí và thời gian.
“Khi đã quyết định mở rộng bao nhiêu mét thì giải tỏa trong phạm vi đó, quy hoạch treo phải được xóa luôn để người dân yên tâm”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch cho rằng TPHCM cần thay đổi tư duy, cách làm: “Đối với các tuyến qua cửa ngõ, tôi đề xuất làm đường trên cao, với đường song hành sẽ làm đường bên dưới. Đường trên cao làm rất nhanh. Chúng ta mở rộng đường trên cao, ai đi trả tiền. Chúng ta làm chậm, dân không có đường đi”, TS Trần Du Lịch nói.