Nếu dịch bệnh kéo dài, có lùi thi tốt nghiệp THPT?
‘Nếu dịch kéo dài và tháng 3.2021, học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường thì Bộ sẽ lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng sẽ phải điều chỉnh’
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020ĐÀO NGỌC THẠCHChủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chủ động của địa phương, cơ sở giáo dục trong việc nhanh chóng đưa ra những quyết định về dạy và học nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh.Bên cạnh đó, ông Nhạ yêu cầu: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp”.
Theo Bộ trưởng Nhạ, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… “Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay”, ông Nhạ chỉ đạo.Trao đổi thêm với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong nhiệm vụ năm học 2020 – 2021, Bộ đã yêu cầu các sở chỉ đạo các trường chuẩn bị điều kiện để có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong tình thế học sinh không thể đến trường do dịch bệnh. Bộ cũng ban hành các hướng dẫn trong thực hiện dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình; việc công nhận kết quả dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá thường xuyên trong giai đoạn học sinh phải học trực tuyến và việc xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi học sinh trở lại trường.
Vì vậy, theo ông Thành, với các văn bản hướng dẫn, các trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, khởi động ngay việc dạy học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp với hình thức này, các nội dung cần tăng cường cho học sinh cuối cấp học. Nội dung nào, môn học nào chưa thể dạy học trực tuyến hoặc không phù hợp với hình thức này, thì để lại thực hiện sau khi học sinh trở lại trường chứ không bắt buộc phải dạy theo thời khóa biểu đầy đủ các môn trong một tuần như trước kia.Theo ông Thành, cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến để tiếp nối tiến độ chương trình trong quá trình tạm dừng đến trường, các trường vẫn còn quỹ thời gian 2 tuần dự phòng. Vì thế, nếu hết tháng 2 này, học sinh các địa phương có thể quay lại trường học thì kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, Bộ GD-ĐT vẫn theo sát diễn biến của dịch bệnh và chắc chắn phải tính toán, xây dựng các “kịch bản” khác nhau trong việc thực hiện năm học này trên cơ sở kinh nghiệm từ năm học trước. “Nếu dịch bệnh kéo dài và tháng 3.2021, học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì Bộ sẽ tính toán, điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng vì vậy sẽ phải điều chỉnh”, ông Thành cho hay.Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.