Thời SựVăn HóaXã Hội

Mưa lớn gây ngập úng kéo dài ở Thừa Thiên Huế

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngày qua, địa bàn tỉnh đã trải qua mưa to và rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm. Một số khu vực ghi nhận lượng mưa cao hơn, như Lộc Tiến với 362mm, Thủy điện Bình Điền 363mm, và Đỉnh Bạch Mã lên tới 856mm.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo, trong các ngày 14-15/12, khu vực này sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 50-120mm, có nơi trên 200mm.

Mưa lớn gây ngập úng kéo dài ở Thừa Thiên Huế - 1

Nhiều vùng thấp trũng dọc sông Bồ tại Thừa Thiên Huế ngập úng kéo dài (Ảnh: Cao Tiến).

Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, từ ngày 10/12, các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã chủ động xây dựng phương án điều tiết vận hành lũ về hạ nguồn theo quy trình được phê duyệt, đồng thời căn cứ diễn biến mưa để tính toán vận hành đảm bảo an toàn.

Hiện nay, mực nước trên các sông trong tỉnh dao động ở mức vừa phải: sông Hương tại trạm Kim Long cao 1,14m, lớn hơn báo động 1 là 0,4m; sông Bồ tại trạm Phú Ốc 2,60m, thấp hơn báo động 2 là 0,4m; sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình 1,49m; sông Truồi 1,13m.

Từ ngày 14 đến 15/12, lũ trên sông Bồ dự kiến tiếp tục dao động ở mức xấp xỉ báo động 2, sông Hương và các sông khác dao động trên mức báo động 1, nguy cơ cao ngập úng kéo dài tại vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại các khu đô thị.

Mưa lũ kéo dài sẽ ảnh hưởng tới các công trình đang thi công, các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế – xã hội. Mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi.

Mưa lớn gây ngập úng kéo dài ở Thừa Thiên Huế - 2

Một điểm sạt lở tại khu vực Bốt Đỏ trên Quốc lộ 49 đoạn qua huyện miền núi A Lưới (Ảnh: Cao Tiến).

Cơ quan chức năng yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Người dân cần đề phòng khi lưu thông qua các ngầm, cầu tràn, cầu dân sinh, các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, các khu vực có độ dốc địa hình lớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button