Thời SựVăn HóaXã Hội

Không thể chần chừ trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”

Tại buổi lễ phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh” sáng 10/1, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT), cho biết những ngày qua người dân Hà Nội rất lo lắng cho sức khỏe của mình khi thấy chỉ số chất lượng không khí AQI luôn ở báo động đỏ, nâu, thậm chí tím trong nhiều giờ, nhiều ngày.

“Khách du lịch cũng vậy, nhiều người cho rằng Hà Nội là một thành phố hấp dẫn với ẩm thực phong phú, người dân thân thiện, tuy nhiên điều khiến họ thấy đáng tiếc nhất là chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức xấu”, ông Tùng nêu thực tế.

Không thể chần chừ trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí - 1

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (Ảnh: Thanh Tuyền).

Vì sao bụi mịn PM2.5 khiến mọi người lo lắng?

Vậy tại sao chất lượng không khí suy giảm – cụ thể ở đây là hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti có kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc lại khiến mọi người lo lắng như vậy?

Ông Tùng đặt câu hỏi, rồi giải thích: Trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần/ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí. Như vậy hàng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

“Ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và tỷ lệ đột quỵ. Phụ nữ sống ở khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con tự kỉ cao gấp 2 lần so với bình thường. Ô nhiễm không khí cũng được cho là liên quan đến sự giảm chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới”, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nêu lo ngại.

Do yếu tố địa lý, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc ô nhiễm hơn vào các tháng mùa đông khi ít mưa, nhiều ngày gió lặng trời nồm. Lúc này bụi mịn không rửa trôi hay khuếch tán được nên luẩn quẩn ở tầng thấp trong khi tiếp tục hàng ngày hàng giờ vẫn có các nguồn thải đưa bụi mịn vào không khí.

Không thể chần chừ trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí - 2

Chỉ số chất lượng không khí nhiều khu vực ở Hà Nội ở mức rất xấu, cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng tất cả mọi người (Ảnh: Tố Linh).

Ông Tùng nhận định Hà Nội có sự khác biệt về chất lượng không khí, các nguồn ô nhiễm giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành.

Nếu ở ngoại thành, nguồn ô nhiễm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng tái chế giấy, nhựa, kim loại, đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch, cơ sở chăn nuôi, thì ở các quận nội thành ngoài xây dựng công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường sá, đốt rác còn có thủ phạm từ các phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu (hơn 6 triệu xe máy, gần 800 nghìn ô tô động cơ đốt trong ngày đêm nhả khói).

Vài năm gần đây Hà Nội đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường giao thông công cộng với mục tiêu giai đoạn 2026-2030 có 100% xe buýt xanh với nguồn lực tài chính lên đến 43.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng nhìn nhận việc xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện giao thông chạy điện từ xe máy, ô tô, taxi đến xe buýt ở Thủ đô đã góp phần đáng kể vào giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, theo ông, với tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, đòi hỏi tất cả chúng ta không thể chần chừ được nữa, phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”.

“Các bài học trên thế giới đã chứng minh rằng càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao. Những con số bụi mịn PM2.5 liên tục vượt ngưỡng cho phép không chỉ là những con số khô khan, mà chính là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính”, ông Tùng nêu quan điểm.

“Cuộc khủng hoảng không khí”

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói rằng Hà Nội đang đối mặt với một “cuộc khủng hoảng không khí” mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.

“Mỗi phút chần chừ hôm nay đều đang góp phần làm nặng thêm gánh nặng môi trường mà con cháu chúng ta phải gánh chịu ngày mai. Bầu không khí không phải là của riêng ai. Tôi mong tất cả chúng ta, mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền bằng những hành động của mình góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí”, ông Tùng nói.

Ông mong muốn, mỗi người dân có thể “chung tay” bắt đầu từ những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh như xe buýt, xe máy, ô tô điện”, ông Tùng nói.

Không thể chần chừ trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí - 3

Với mỗi người dân, sự chung tay có thể bắt đầu từ việc ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh như xe buýt, xe máy, ô tô điện (Ảnh: Thịnh Trường).

Ở góc độ quản lý, ông Tùng đề nghị cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như: hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc….

Một giải pháp khác mà thế giới đã triển khai hiệu quả là Chính sách Tín chỉ xe điện (gọi tắt là ZLEV). Đây là một công cụ quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững. Cơ chế này được thiết kế nhằm tạo ra một động lực tài chính để các nhà sản xuất ô tô gia tăng sản lượng xe không phát thải, giúp họ đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của các thị trường.

Ông Tùng nhấn mạnh chính sách này hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, có tác dụng khuyến khích các nhà sản xuất ô tô phát triển và sản xuất các phương tiện không phát thải, đồng thời giảm thiểu tác động của giao thông tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

“Với sự đồng lòng, chúng ta có thể tin một ngày không xa, bầu trời Thủ đô sẽ xanh trở lại”, ông Tùng tin tưởng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button