Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Quang cảnh kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp diễn ra ngay sau thành công của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung rất quan trọng, ý nghĩa đối với thành phố.
Đó là cho ý kiến để hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỷ lệ thống nhất rất cao (với tỷ lệ tán thành là 95,06%).
“Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự kỳ họp |
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng gồm:
Một là, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Theo đó, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thường xuyên, quan tâm giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp |
Cụ thể, kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao: GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 237.747 tỷ đồng, chiếm khoảng 94,3% tổng thu ngân sách nhà nước. (Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức). Các ngành kinh tế đều tăng trưởng và phát triển ổn định…
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế đặt ra trong quá trình phát triển. Kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.
Hai là, HĐND thành phố xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công; Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Quy chế quản lý kiến trúc của thành phố; Quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”…
Xem xét quyết định các nội dung để kịp thời phục vụ công tác điều hành của các cấp, các ngành; các cơ chế, chính sách đặc thù có tác động sâu rộng nhằm đảm bảo an sinh và quan tâm, hỗ trợ các đối tượng, các lực lượng làm nhiệm vụ ở cơ sở như: Mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã; mức chi phục vụ hoạt động của MTTQ các cấp; mức chi, mức hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công và các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp |
Ba là, về hoạt động giám sát: HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố theo quy định của Luật. Thường trực HĐND thành phố báo cáo kết quả hoạt động giám sát 6 tháng đầu năm 2024 và trình HĐND thành phố quyết định chương trình giám sát năm 2025.
HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn. Cụ thể, Thường trực HĐND thành phố dự kiến 2 nhóm vấn đề: Chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội; chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố.
Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.