Thời SựVăn HóaXã Hội

Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Trong 2,5 ngày (10,11 và chiều 14/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 43 để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 hồi tháng 11/2024, với nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các phương án về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá…

Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh tăng thuế suất mặt hàng rượu, bia lên tới 100% trong 5 năm liên tục và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, dự thảo đưa ra hai phương án điều chỉnh thuế suất hàng năm với rượu, bia, bắt đầu từ năm 2026. Trong đó, phương án 1 sẽ tăng năm đầu tiên là 5% và mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 90%. Phương án 2 là năm đầu tiên tăng 15% và mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 100%.

Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia - 1

VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia từ năm 2028 (Ảnh minh họa: Getty).

Trước phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu ý kiến góp ý việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo VCCI, việc điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện bởi việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao có thể gây nhiều tác động tiêu cực.

Phân tích của VCCI cho rằng, mức tăng thuế quá nhanh sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp khó có đủ thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư vào công nghệ sản xuất mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Điều này có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, thua lỗ và thậm chí phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thuế tăng mạnh có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu và thương mại bất hợp pháp.

“Khi giá sản phẩm hợp pháp tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến hàng nhập lậu hoặc hàng phi chính thức có giá rẻ hơn nhưng không được kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn làm gia tăng áp lực lên các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, theo phân tích của VCCI.

Với 2 phương án đưa ra như dự thảo luật, VCCI cho rằng trong ngắn hạn, thu ngân sách có thể tăng, nhưng về trung và dài hạn, sự sụt giảm sản lượng hợp pháp cùng với sự gia tăng của thị trường phi chính thức sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Nhà nước.

Vì vậy, cần có lộ trình hợp lý hơn để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường.

Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI cũng cho rằng cần được cân nhắc thận trọng, bởi thừa cân, béo phì không chỉ xuất phát từ việc tiêu thụ đồ uống có đường, mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác.

Do đó, việc chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ không giải quyết triệt để vấn đề này, trong khi nhiều loại thực phẩm khác cũng có hàm lượng đường và calo cao (bánh kẹo, kem, nước trái cây có đường, trà sữa, đồ ăn nhanh, dầu mỡ…) không bị áp thuế tương tự.

“Việc chỉ đánh thuế riêng nước giải khát có đường có thể tạo ra sự bất hợp lý và phân biệt giữa các nhóm thực phẩm, đồng thời gây quan ngại về sự thiếu nhất quán trong chính sách điều tiết tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị xem xét chưa đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện”, VCCI kiến nghị.

Ủng hộ việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, song Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) lo ngại việc tăng liên tục và tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Việc tăng thuế đồng nghĩa với tăng giá bán, nhưng các nhu cầu về sử dụng rượu bia theo phong tục tập quán Việt Nam vẫn diễn ra, vì thế, đơn vị này cho rằng một bộ phận người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng rượu, bia nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị nếu không thể giãn thời gian lộ trình điều chỉnh thuế suất, nên chọn phương án 1 mà dự thảo luật đưa ra là mỗi năm tăng đều thuế suất 5%, đến năm 2030 thuế suất là 90% đối với rượu, bia.

Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó kiến nghị cân nhắc lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm, đồng thời cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường.

Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trước khi được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43, dự kiến diễn ra ngày 10/3.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button