Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 3/6 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp |
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – đoàn Khánh Hoà cho biết, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đề cập tương đối đầy đủ về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
So sánh với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 sửa đổi năm 2019, dự thảo luật lần này đã có nhiều nội dung mới được bổ sung, vì vậy, đại biểu hoàn toàn đồng ý vì đã phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa |
Cụ thể, đã bổ sung các loại dao, vũ khí thô sơ, là những công cụ được coi là vũ khí và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng vũ khí, cắt giảm các loại giấy tờ về thủ tục, cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất, thuốc nổ, công cụ hỗ trợ liên quan đến trình tự tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia về hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, bỏ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng cho, gửi mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có thể tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Mở rộng quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định về thời gian cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay…
“Do vậy, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đáp ứng được yêu cầu cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung theo các yêu cầu của việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” – đại biểu nói.
Tuy nhiên, để thực hiện luật này trong cuộc sống, đại biểu nhận thấy cần có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Theo sơ bộ thống kê trong dự thảo, có tới 9 nghị định của Chính phủ, 25 thông tư hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương. Do vậy, song song với việc trình dự thảo luận trước Quốc hội, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần triển khai ngay việc xây dựng hướng dẫn thực hiện đợt này để đưa luật vào cuộc sống.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm – Đắk Lắk nhận thấy, dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị rất công phu, đồng thời, cơ bản nhất trí với một số ý kiến phát biểu của các đại biểu đã tham gia về dự án luật.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung đưa linh kiện vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng. Vì qua tổng kết 5 năm thi hành, các lực lượng chức năng đã phát hiện 743 vụ, bắt giữ 745 đối tượng, thu 601.468 linh kiện vũ khí nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk |
Thực tế hiện nay, các đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép, hành vi này đang diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tham khảo luật của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga đều quy định linh kiện lắp ráp vũ khí là vũ khí. Vì vậy, việc bổ sung quy định linh kiện vũ khí trong dự thảo luật là phù hợp.
Từ nghiên cứu hồ sơ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Việt Hà – đoàn Tuyên Quang cũng nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật của Bộ Công an thì cho thấy trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và các phương tiện tương tự dao để gây án, riêng đối với đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ, chiếm 66,4%.
Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc, có tính sát thương rất cao, như dao bầu, dao phay, dao quắm và giết người với tình tiết rất manh động, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội.
Hiện nay, hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên chúng ta không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Do đó, cần bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi dao này được sử dụng vào mục đích sinh hoạt nên quy định trường hợp đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để đảm bảo tính khả thi của dự án luật.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến thảo luận tại tổ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra và báo cáo thẩm tra cũng rất đầy đủ. Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí về bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo tiếp thu của Bộ Công an và cơ bản nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.