Đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng 1 thành viên
Ngày 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Tham gia phát biểu một số nội dung liên quan đến Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp cho biết, về công chứng bản dịch, công chứng điện tử và độ tuổi hành nghề công chứng, đại biểu nhất trí theo dự thảo luật.
Về mô hình công chứng, đại biểu đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế – xã hội, huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế những nơi này còn nhiều huyện chưa có văn phòng công chứng, do quy định văn phòng công chứng thành lập phải có 2 công chứng viên trở lên, mỗi công chứng viên đã là khó rồi mà 2 lại càng khó hơn, do thành lập thu nhập không cao lại phải trả lương cho công chứng viên hợp danh là điều không thể, cho nên không có công chứng viên nào dám thành lập ở những nơi đây.
Thực hiện khảo sát ở một số nơi công chứng hợp danh chỉ là hình thức cho thuê bằng chứng nhận công chứng viên, hàng tháng công chứng viên này đến văn phòng chỉ một vài lần. “Cho nên, tùy theo điều kiện thực tế mà cho phép thành lập văn phòng công chứng 1 thành viên, còn đối với đô thị thì thống nhất như dự thảo phải có 2 công chứng viên trở lên” – đại biểu nói.
Về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề của mình, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức của mình, quảng cáo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo là không vi phạm, vì vậy, đề nghị bỏ quy định này.
Về đào tạo công chứng viên tập sự hành nghề công chứng, đại biểu đoàn Đồng Tháp tán thành thời gian đào tạo công chứng là 12 tháng, các đối tượng quy định ở khoản 3 Điều 9 được giảm phân nửa thời gian đào tạo là hợp lý, nhằm nâng cao nghề nghiệp công chứng viên là đặc thù, đặc biệt.
Ngoài ra, đối với công chứng tư pháp, hộ tịch, giảng viên của bộ môn hành nghề, chuyên viên phòng quản lý công chứng… đã có thời gian làm việc liên tục từ 5 năm trở lên cũng được giảm thời gian đào tạo nghề vì các đối tượng này đã có kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy, chứng thực.
Bên cạnh đó, việc tập sự hành nghề công chứng 12 tháng theo quy định là phù hợp nhằm đảm bảo đủ thời gian người tập sự hành nghề rèn luyện, có thực tiễn kinh nghiệm sau này hành nghề có hiệu quả hơn, quy định bắt buộc cho các đối tượng, không miễn trừ thời gian cho đối tượng nào.
Về tạm ngưng văn phòng công chứng, ông Phạm Văn Hòa nêu, quy định văn phòng công chứng tạm ngưng hoạt động, bàn giao hồ sơ công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng được Sở Tư pháp chỉ định, đề nghị quy định rõ trong trường hợp văn phòng công chứng không đồng ý nhận hồ sơ thì có biện pháp, chế tài hay không? Vì nhận hay không nhận là quyền của văn phòng công chứng, nếu bắt buộc họ thực hiện không hoàn thành thì hậu quả khó lường. Nếu trường hợp này xảy ra sẽ ra sao?.
Về địa điểm công chứng, đại biểu đề nghị giữ như luật hiện hành là được công chứng ngoài trụ sở, vì có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ, nhất là cơ sở quốc gia về dân cư, đất đai thông suốt, thực hiện quy trình, thủ tục chặt chẽ, được thực hiện nghiêm túc, có sự hiện diện trực tiếp của công chứng viên và nhân viên giúp việc, công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân của mình khi tác nghiệp.
Vì vậy, quy định công chứng ngoài trụ sở có điều kiện, nếu liệt kê đầy đủ sẽ dẫn đến cản trở sự giao dịch dân sự cho người dân, doanh nghiệp. Việc công chứng ngoài trụ sở sẽ bớt phiền hà cho người dân đến giao dịch ở cơ quan, ở trụ sở.
Về tuyên bố vô hiệu của tòa án, ông Hòa nhấn mạnh, vấn đề này cần cân nhắc kỹ, vì tuyên bố vô hiệu có tác dụng đến quyền lợi của các đối tượng giao dịch. Quy định điều kiện tuyên bố vô hiệu là có vi phạm pháp luật như trong dự thảo có thể sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định này. Việc tuyên bố văn bản giao dịch vô hiệu thực hiện theo Bộ luật Hình sự thực tế đã áp dụng không có vướng mắc và bất cập.
Có nên giới hạn quyền công chứng giao dịch bất động sản?
Đặc biệt, về thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản, ông Phạm Văn Hòa đề nghị không giới hạn quyền công chứng giao dịch bất động sản của công chứng viên trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, về dân cư, bất động sản khác đã được xây dựng, khai thác hiện nay, cho nên việc hạn chế thẩm quyền công chứng trong phạm vi về giao dịch bất động sản sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện công chứng.
Bên cạnh đó, công chứng viên cũng phải biết công chứng đúng, sai và chịu trách nhiệm cá nhân. Cho nên, quy định mở rộng sẽ hợp lý và có sự đồng tình cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh |
Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – TP Hồ Chí Minh lại đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
“Đây là mục tiêu chúng ta hướng đến nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là hết sức nguy hiểm, chưa phù hợp với thực trạng hiện nay của nước ta” – đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói.
Bởi lẽ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản hiện nay mới đang bắt đầu ở một số địa phương, sự liên thông cũng mới chỉ bắt đầu, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng về trang thiết bị, cơ sở vật chất không đồng đều giữa các địa phương trong cả nước cho nên nền tảng xã hội trong vài năm tới chưa đủ để thực hiện việc bỏ địa hạt công chứng đối với bất động sản.
“Một thực trạng là tình trạng lừa đảo qua công nghệ chưa được kiểm soát hiệu quả nên trong giai đoạn này cần hết sức thận trọng trong việc bỏ địa hạt để hạn chế rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro pháp lý về phía người dân” – đại biểu chia sẻ thêm.
Ngoài ra, về địa điểm công chứng, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động công chứng là hoạt động cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nên cần đảm bảo sự nghiêm túc trong hoạt động dịch vụ công và chủ yếu thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Luật giới hạn thu hẹp phạm vi công chứng ngoài trụ sở như dự thảo là cần thiết, phù hợp và trong trường hợp cần thiết có thể rà soát thêm, bổ sung thêm một số trường hợp khác để đảm bảo tính nghiêm túc của hoạt động dịch vụ công mà không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng công chứng.