Nhất trí việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình
Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa |
Đại biểu Mai Văn Hải – đoàn Thanh Hoá cho biết, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120 của Quốc hội khóa XIV là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan trung ương chủ trì quản lý dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, như việc thực hiện khá tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo có những chuyển biến tích cực hơn.
Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai tổ chức thực hiện chương trình nên cần phải điều chỉnh một số chủ trương là cần thiết.
Về điều chỉnh vốn thực hiện chương trình, đại biểu cơ bản thống nhất đây là vấn đề rất cần thiết để thực hiện tốt việc lồng ghép, phân bổ vốn thực hiện chương trình, nhưng tôi đề nghị cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp. Bởi vì, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 vốn đầu tư công đã được giao cho địa phương, vốn sự nghiệp cũng đã được phân bổ đến hết năm 2024.
Vì vậy, đại biểu nêu rõ, điều chỉnh bổ sung cho giai đoạn 2026 – 2030 là phù hợp và đề nghị phân bổ vốn trung hạn hằng năm và phân bổ vốn sự nghiệp cũng phải phù hợp, tránh trường hợp phân bổ, giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc bố trí vốn cho các dự án cụ thể.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – đoàn Lạng Sơn nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các lý do nêu trong Tờ trình số 190 và Báo cáo số 191 ngày 26/4/2024 của Chính phủ.
Về việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu đoàn Lạng Sơn cho hay, theo tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình áp dụng cho 4 nhóm, gồm: 10 đơn vị sự nghiệp công lập; 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 3 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện không nằm trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỷ đồng, Chính phủ cam kết không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của cả nước còn 2,93%, trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số mặc dù đã giảm 3,2% so với năm 2022 nhưng vẫn còn 17,82%, cao gấp gần 6 lần so với tỷ lệ chung của cả nước.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn |
Theo Nghị định số 07 năm 2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều, ngoài chỉ số về thu nhập còn có 6 chỉ số đo lường về dịch vụ xã hội cơ bản, gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin, nếu thiếu hụt 3 chỉ số trở lên được coi là hộ nghèo. Như vậy, 4 nhóm đối tượng được đề xuất mở rộng là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều, gồm giáo dục, y tế và văn hóa – thông tin.
Bên cạnh Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình còn là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa trong thực tiễn các quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 3 Điều 62 Hiến pháp về phát triển y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vì vậy, đại biểu đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các chương trình trong nghị quyết Quốc hội, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ triển khai trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, qua rà soát, toàn quốc có khoảng 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3628 di tích quốc gia tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Trong đó, chương trình ưu tiên tu bổ, tôn tạo khoảng 72 di tích thuộc 31 tỉnh. Theo phụ lục 2 kèm theo Tờ trình số 190 của Chính phủ thì danh mục cụ thể các di tích sẽ được xác định trong quá trình phê duyệt và triển khai đầu tư.
Đại biểu đề nghị rà soát bổ sung danh mục cụ thể của di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu của các dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả.
Cần sử dụng nguồn vốn đúng địa bàn, đúng đối tượng
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – đoàn Hậu Giang cũng nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu nhận thấy các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận của nhân dân để triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, quan tâm thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua có lúc, có nơi còn những hạn chế, khó khăn nhất định.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – đoàn Hậu Giang |
Bởi vì, đây là khu vực có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và bị chia cắt, mật độ dân số thưa thớt, không tập trung, vì vậy điều kiện phát triển kinh tế về vùng đồng bào thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; an ninh trật tự vùng núi, biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Theo đó, đại biểu thống nhất cao việc điều chỉnh chương trình theo đề nghị của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cả nước.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của chương trình theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung dự án thành phần có nhu cầu bức xúc, cấp thiết đầu tư để thực hiện đảm bảo lộ trình và phù hợp với vốn được giao nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả chương trình.
Bên cạnh đó, kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện chương trình, cần giới hạn phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện để áp dụng làm cơ sở tính toán, phân bổ vốn ngân sách trung ương cho từng địa phương.
Tùy tình hình thực tế, nội dung, nhu cầu đầu tư, từng địa phương sẽ xây dựng tiêu chí, định mức, phân bổ, áp dụng triển khai nhằm đảm bảo nguồn lực bố trí phù hợp với nhu cầu, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình đúng địa bàn, đúng đối tượng; có cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương để triển khai thực hiện, tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, doanh nghiệp; nghiên cứu những giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Mọi vấn đề liên quan đến chương trình, dự án phải được công khai, minh bạch, nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân và huy động được các nguồn lực để thực hiện tốt chương trình” – đại biểu nói.