Nghị định 32 với nhiều điểm mới
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN), ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho hay: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) được xây dựng trên nền tảng Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định số 66). Nghị định số 32 tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng như tăng trường quản lý và hiệu quả quản lý cụm công nghiệp.
Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp |
“Việc xây dựng Nghị định số 32 tuân thủ một số nguyên tắc như tiếp tục kế thừa những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả, chỉ sửa đổi những vấn đề bất cập; phân cấp mạnh về cho các địa phương nhưng không gây tăng bộ máy và kinh phí cho địa phương. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, vừa đảm bảo pháp Luật Đất đai và phát triển kinh tế tư nhân. Ở những vùng kinh tế-xã hội khó khăn sẽ triển khai các chính sách tài khoá để hỗ trợ. “Đây là nội dung lớn của Nghị định số 32 so với Nghị định số 68”, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho hay.
Ngoài những điểm nhấn trên, bên cạnh quy định chung, Nghị định số 32 quy định ngành, nghề sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp để các địa phương áp dụng ưu tiên trong quá trình thực hiện.
Về phương án phát triển, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, tại Mục 1, Chương II, Nghị định quy định cụ thể cơ sở xây dựng, nội dung chủ yếu của Phương án phát triển cụm công nghiệp; xây dựng, tích hợp phương án phát triển cụm công nghiệp vào quy hoạch tỉnh; cơ sở, nội dung chủ yếu của điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; xây dựng, tích hợp điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp vào điều chỉnh quy hoạch tỉnh.
Mục 2, Chương II quy định cụ thể các điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung chủ yếu của quyết định thành lập, quyết định mở rộng cụm công nghiệp; điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, quyết định mở rộng cụm công nghiệp.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Chương này quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương |
Đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, Nghị định số 32 quy định cụ thể về tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong cụm công nghiệp; quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điểm quan tâm là Nghị định số 32 quy định ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; hỗ trợ hoạt động phát triển cụm công nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, Chương này quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp; quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về cụm công nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương và các Bộ khác liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện…
Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao công tác xây dựng nghị định
Nghị định số 32 với nhiều điểm mới được đại diện các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đặc biệt là tính phù hợp với các văn bản hiện hành.
Theo ông Phạm Hồng Phong – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình xây dựng Nghị định số 32, Bộ Công Thương đã rất tiếp thu và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng các nội dung.
Ông Phạm Hồng Phong – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Thời gian qua, việc phát triển, quản lý cụm công nghiệp thực hiện theo Nghị định số 66, Nghị định số 68 nhưng có nhiều văn bản pháp luật thay đổi như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… Do vậy, việc sửa đổi hai nghị định này là cần thiết.
Ông Phong cũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được ý kiến về dự án đầu tư công nghiệp của các địa phương trong cụm công nghiệp, chủ yếu liên quan đến 3 vấn đề: Ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thành lập cụm công nghiệp.
“Khi nhận được các ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản giải quyết từng trường hợp cụ thể. Để giải quyết căn cơ hơn, trong qua trình xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương đã rất linh hoạt để ngỏ các vấn đề nhằm đề xuất thêm khi sửa các luật liên quan cho phù hợp”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Ở góc độ địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Nghị định số 32 được ban hành đã hoàn thiện đáng kể chính sách về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập mới cụm công nghiệp.
Nghị định số 32 có điểm mới rất quan trọng khi quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã mà không giao trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc đơn vị công lập là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
“Để việc triển khai Nghị định số 32 thuận lợi, đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn thực hiện”, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đề xuất.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Khẳng định địa phương đã rất sẵn sàng cho triển khai Nghị định số 32 khi chính thức có hiệu lực, ông Ngô Văn Tổng – Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, cho biết: Ngay sau khi Nghị định số 32 được ban hành, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 32; kế hoạch thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp; phương án xử lý cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định cố 105/2009/QĐ- TTg; ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp tỉnh…
Để thực hiện thành công Nghị định số 32, từ thực tế địa phương, ông Tổng khuyến nghị: Trong công tác quy hoạch cụm công nghiệp cần lưu ý mỗi cụm công nghiệp có quy mô từ 50-75 ha nhằm tận dụng lợi thế về diện tích đất đai, thu hút nhà đầu tư làm chủ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp.
Trong phát triển cụm công nghiệp cần làm rõ hiện trạng đất đai, hạn chế sử dụng đất lúa và diện tích có nhiều hộ dân sinh sống nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tăng kết nối hạ tầng giao thông, hạn chế tốc độ đô thị hoá tại khu vực gần cụm công nghiệp, tránh vấn đề ô nhiễm môi trường.
Được biết, Bình Định đã có nhiều hoạt động nhằm tăng hiệu quả quản lý, khuyến khích phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành quy định chi tiết về nhà đầu tư; tổ chức hội nghị quản lý, phát triển cụm công nghiệp toàn tỉnh để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp phát triển cụm công nghiệp; giao chỉ tiêu phát triển cụm công nghiệp năm 2024 và tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Ông Võ Văn Hoà – Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cũng nhìn nhận định: Nghị định số 32 đã tích hợp khá đầy đủ các văn bản quy định liên quan tới cụm công nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề địa phương cần Bộ Công Thương hướng dẫn, trong đó nổi trội là thủ tục thành lập, thủ tục chứng nhận đầu tư cụm công nghiệp và việc bàn giao tài sản do ngân sách nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng.
Trước phản ánh của các địa phương, tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh, trong Nghị định số 32 không thể đề xuất từng vấn đề cụ thể mà chỉ nêu định hướng. Những nội dung cụ thể Bộ Công Thương đã gửi Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32, các địa phương có thể đóng góp ý kiến để Bộ có hướng triển khai. “Ngoài ra, với các ý kiến liên quan của địa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, nghiên cứu và trả lời bằng văn bản trong thời gian tới”, ông Trung cho hay.