Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tham gia tiếp xúc cử tri gồm có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 3; đồng chí Vũ Thanh Chương, Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố; đồng chí Nguyễn Minh Quang, Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3; đồng chí Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam; đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng; đồng chí Tống Văn Băng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Lương Thị Ngân Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kiến Thụy.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri. Ảnh: Cấn Dũng |
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ ngày 20/5 đến 28/6); tình hình kinh tế – xã hội cả nước những tháng đầu năm 2024.
Về công tác tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri thông báo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại huyện Cát Hải và phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội với công nhân lao động trên địa bàn thành phố với trên 850 cử tri tham dự, tổng hợp 69 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng. Ảnh: Cấn Dũng |
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đã phối hợp với Hiệp hội Vận tải Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Đồng thời, tổ chức 4 cuộc tiếp xúc cử tri tại 4 quận, huyện kết hợp trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu chính tới các điểm cầu các xã, phường, thị trấn để cử tri theo dõi, nắm bắt thông tin về nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Các cử tri đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được và sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vai trò của Quốc hội.
Tại buổi tiếp xúc các cử tri đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, tập trung vào: Vấn đề kinh tế – xã hội; lĩnh vực đất đai; lĩnh vực giáo dục; vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng; lĩnh vực môi trường; dự thảo sửa đổi, bổ dung một số điều Luật Đấu giá tài sản; lĩnh vực nông nghiệp; dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông; Luật Đường bộ; dự thảo Luật Công chứng sửa đổi; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn;…
Liên quan đến vấn đề kinh tế – xã hội, cử tri Lê Văn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiến Thụy cho biết: Cán bộ, Đảng viên, Nhân dân và cử tri trong huyện rất hào hứng, phấn khởi đón nhận nội dung kỳ họp thứ 7 tới đây của Quốc hội. Đồng thời cũng kỳ vọng vào kết quả của kỳ họp này sẽ quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong đời sống xã hội mà Nhân dân đang quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
Đánh giá cao về kết quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những tháng đầu năm 2024, trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, giá vàng, ngoại tệ tăng bất thường, thị trường bất động sản lắng xuống nhưng Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
Về lĩnh vực môi trường, cử tri Phạm Quang Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy bày tỏ: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các quy định của luật tại các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc như:
Liên quan đến thủ tục hành chính về môi trường thực hiện các dự án, nhiều chủ đầu tư cho rằng một số điều khoản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập ĐTM (đánh giá tác động môi trường). Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án có quy mô nhỏ sử dụng rất ít đất trồng lúa, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục đánh giá ĐTM, điều này gây nhiều khó khăn, kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án tại các địa phương.
Cử tri Phạm Quang Vũ đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó cần quy định cụ thể đối tượng, các tiêu chí xác định quy mô, yếu tố nhạy cảm về môi trường cần thiết phải đánh giá ĐTM; đối với các dự án quy mô nhỏ, thu hồi ít đất trồng lúa, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường không cần thiết đánh giá ĐTM, nhưng yêu cầu có Giấy phép môi trường để đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Các đại biểu Quốc hội với đại diện các Sở, ngành, địa phương. Ảnh: Cấn Dũng |
Ngoài ra, về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cử tri Vũ Văn Hưởng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kiến Thụy cho rằng: Hiện nay, Bộ Xây dựng đã dự thảo xong Luật quy hoạch đô thị và nông thôn với 5 chương, 8 mục và 61 điều, qua nghiên cứu dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn rất rõ ràng và quy định, phân cấp rất cụ thể đến cấp huyện, quận; có thể nói nếu Luật quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua và chính thức ban hành sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương ở cấp quận, huyện triển khai thuận lợi. Do đó đề nghị các Đại biểu Quốc hội thành phố đề xuất với Quốc hội sớm thông qua và ban hành để các địa phương căn cứ thực hiện.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố trân trọng tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, trong đó có một số ý kiến được đại diện các Sở, ngành trực tiếp trao đổi, trả lời tại hội nghị.
Theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua nhiều Dự án Luật, vì thế Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia, góp ý của cử tri để tham gia thảo luận tại Quốc hội.
Một số hình ảnh tại buổi tiếp xúc cử trị: