Thời SựVăn HóaXã Hội

Để tránh tụt hậu, chúng ta phải tìm ra con đường đi tắt, đón đầu

Chiều 20/01, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.

Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta,…

Theo ông Bình, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, Đảng và Nhà nước ta ngay từ sớm đã rất coi trọng vị trí quan trọng, vai trò to lớn của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển đất nước.

Đại hội IV của Đảng đã xác định rõ một trong ba cuộc cách mạng cần được tiến hành để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chính là cách mạng khoa học – kỹ thuật.

Để tránh tụt hậu, chúng ta phải tìm ra con đường đi tắt, đón đầu - 1

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Trần Văn).

“Thực tế cho thấy, việc thực hiện các quan điểm, nghị quyết của Đảng về tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ trong những năm qua, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đã mang lại những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước”, ông Bình nói.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản.

Một là, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Hai là, phân tích thực trạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đánh giá một cách khách quan những kết quả đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng.

Ba là, phân tích những quan điểm cơ bản có tính định hướng, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho năng suất của xã hội tăng lên gấp bội nhờ lực lượng sản xuất mới.

Lực lượng sản xuất mới này đang và sẽ dẫn dắt sự đổi mới và đưa mô hình phát triển vượt ra khỏi các động lực kinh tế truyền thống để hình thành nền kinh tế số, xã hội số. 

Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ chuỗi – khối (Blockchain) trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong lực lượng sản xuất ở nhiều ngành sản xuất mới, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Ông Chuẩn cho rằng, để tránh tụt hậu xa hơn các nước trên thế giới chúng ta phải tìm ra con đường đi tắt, phải biết cách đón đầu.

Đi tắt, đón đầu trong điều kiện hiện nay và sắp tới đây không thể nào khả dĩ hơn là con đường chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao và rất cao đủ khả năng đi vào kinh tế tri thức, kinh tế số, chuyển đổi số.

PGS.TS Võ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định, cần xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa “ba nhà”, gồm: Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 

Trong đó, Nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách,… thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp là yếu tố trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông Phúc đưa ra giải pháp, để phát huy được yếu tố người dân và doanh nghiệp, Nhà nước có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thí nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button