UBND TPHCM vừa có ý kiến gửi các sở, ngành, UBND quận 1 về việc thực hiện xã hội hóa cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, Bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son. Việc này nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và phát triển đồng bộ, hiệu quả nhiều loại hình vận tải công cộng, kết nối vận tải hành khách đường thủy với tuyến Metro số 1.
Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư xây dựng, khai thác tạm 1 bến thủy nội địa trên sông Sài Gòn, tiếp giáp khu đất giáp nhà ga Ba Son của tuyến Metro số 1. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, Bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son bằng nguồn vốn của mình.
Khu vực được sử dụng kết cấu là cầu dẫn, phao nổi, lắp ghép, không xây dựng kiên cố. Bến thủy nội địa tại khu vực nêu trên sẽ phục vụ các phương tiện cập bến, đưa – rước khách, không neo đậu phương tiện trong phạm vi vùng nước hoạt động. Bến thủy được khai thác tạm cho đến khi có yêu cầu giải tỏa, di dời.
Lãnh đạo UBND TPHCM giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp UBND quận 1 cùng các cơ quan, đơn vị hướng dẫn Công ty TNHH Thường Nhật thực hiện xây dựng tạm bến thủy nội địa. Quận 1 cần hướng dẫn công ty này về phương án thiết kế, cải tạo, chỉnh trang khu vực quanh nhà ga Ba Son, bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son đảm bảo mỹ quan đô thị, hài hòa với cảnh quan tại khu vực và công viên bến Bạch Đằng.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế chịu trách nhiệm về các phần việc liên quan thủ tục thuê mặt nước, xác định giá thuê mặt nước. Công ty TNHH Thường Nhật cần thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, thực hiện tháo dỡ, di dời các hạng mục bến thủy nội địa tại khu vực nhà ga metro Ba Son khi có yêu cầu giải tỏa di dời.
Để tăng tính kết nối của tuyến Metro số 1, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có kế hoạch xây dựng phương án kết nối tuyến buýt đường sông vào khu vực nhà ga Ba Son và Tân Cảng.
Từ ngày 22/12, giao thông công cộng của thành phố sẽ được bổ sung tuyến Metro số 1, bên cạnh xe buýt, buýt đường sông và xe 2 tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, giúp hành khách dễ tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình.