Chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 18, trong đó có vấn đề về tên gọi một số bộ sau khi hợp nhất, về phương án sắp xếp, mô hình tổ chức của một số cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Chế độ, chính sách, theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, phải có tính nhất quán, kế thừa và cao hơn chính sách hiện hành. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau
Thủ tướng lưu ý tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc ngay sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng chính sách phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc. Đi kèm mục tiêu tinh giảm biên chế là cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, sức khỏe, kinh nghiệm, nhiệt huyết và gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện báo cáo, tờ trình để trình cấp có thẩm quyền.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đang hoàn tất toàn bộ báo cáo đề án liên quan để tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị vào ngày 25/12.
Bộ cũng có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương về sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến sắp xếp bộ máy. Thời gian tới, Bộ sẽ hướng dẫn sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện để địa phương chủ động.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo nghị định chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy và sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới với mục tiêu ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết theo phương án Ban Chỉ đạo Chính phủ đã thống nhất, dự kiến sau khi sắp xếp, hợp nhất, Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Con số này nhiều hơn định hướng của Trung ương đặt ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cơ bản bỏ hết các tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ.
“Dự kiến các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất bước đầu sẽ giảm từ 35% – 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Con số này rất lớn và số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan cũng rất lớn”, Bộ trưởng Nội vụ nói.