Thời SựVăn HóaXã Hội

Ngày 16/12, tại TP Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Tham dự hội nghị còn có các Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và gần 750 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Báo chí đã có nhiều chương trình xúc động, tự hào

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, trong năm qua các cơ quan báo chí đã có những chương trình xúc động, tự hào, được nhân dân đánh giá cao.

Những chương trình này có nhiều nổi bật, đã làm sống dậy hào khí chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống vẻ vang, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó là những chương trình như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân;…

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, những thành tích của báo chí trong năm qua có sự đóng góp quan trọng của công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, công tác hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản; đặc biệt là sự nỗ lực, trách nhiệm của các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, người làm báo cả nước.

Báo chí phải góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, cả nước hiện có 884 cơ quan báo chí (trong đó có 812 báo, tạp chí và 72 Đài phát thanh truyền hình); 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí (khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ).

Năm 2024, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước; tuyên truyền thể hiện tình cảm, sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và bạn bè quốc tế trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực”, theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT.

Năm qua, cơn bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đổ bộ trực tiếp vào nước ta, báo chí đã thông tin tình hình và sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão.

Từ tháng 8, các cơ quan báo chí đã có nhiều thông tin, tuyên truyền, phân tích về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Qua đó, làm nổi bật các thông điệp, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chuyển đổi số, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, phòng chống lãng phí, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn,…

Đặc biệt, báo chí đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Sáp nhập cơ quan báo chí là chủ trương quan trọng

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng, mặc dù các cơ quan báo chí đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng doanh thu báo chí giảm, thể hiện khó khăn rất lớn của báo chí.

Theo ông Phương, vừa qua, trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình báo chí. Hiện Chính phủ đồng ý giảm từ 20% xuống 15%. Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp bộ, ngành đề xuất Chính phủ xem xét cân nhắc việc giảm thêm cho các cơ quan báo chí.

Cũng theo ông Phương, việc chuyển đổi số báo chí đã có những chuyển biến tốt hơn so với năm 2023. Đây là những tín hiệu tích cực, trước hết là nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí, cán bộ, người lao động khi áp dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Việc áp dụng chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ TT&TT thông tin, trong sắp xếp tinh gọn bộ máy, theo dự kiến riêng khối cơ quan báo chí của Đảng, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ, tổ chức chính trị xã hội, phương án sau sắp xếp sẽ giảm khoảng 10 báo, 19 tạp chí, và 5 đài truyền hình. Các cơ quan báo chí sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, tôn chỉ mục đích phù hợp cơ quan chủ quản mới.

“Bộ sẽ tiếp tục cam kết sát cánh đồng hành cùng các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Báo chí phải góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - 2

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội Mới, cho rằng việc sáp nhập nên xem xét duy trì tên miền (báo điện tử) đã có uy tín. Về nhân sự, theo ông, nên cân nhắc quan tâm đến đội ngũ cán bộ, phóng viên. Những phóng viên trẻ có thể chuyển đổi nghề nghiệp nhưng phóng viên 40 tuổi trở lên rất khó khăn. Do đó, cần có những cơ chế chính sách, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ về mặt xã hội đối với cơ quan báo chí sáp nhập.

Nói về nguồn nhân lực báo chí, theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại ngành báo chí và truyền thông, tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Để đáp ứng yêu cầu này, các cơ sở đào tạo cần đổi mới mạnh mẽ, từ nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy đến việc phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, sự hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức báo chí sẽ tạo ra một hệ sinh thái giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại.

Báo chí phải góp phần kiến tạo không gian phát triển mới

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, với rất nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

Để thực hiện tốt sứ mệnh, thành công mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

“Báo chí phải góp phần kiến tạo không gian phát triển mới, cổ vũ, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo, đấu tranh mạnh mẽ với các rào cản, trì trệ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, ông Nghĩa yêu cầu.

Trong đó báo chí tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng, sự kiện lớn, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước năm 2025 một cách ấn tượng, có tính lan tỏa cao; quảng bá hình ảnh một quốc gia đổi mới, năng động, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Báo chí phải góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - 3

Lãnh đạo Bộ, Ban, ngành và nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tham dự hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng với những đột phá về thể chế, cần quan tâm một cách thực chất đến việc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số; xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời vấn đề kinh tế báo chí, giải quyết hài hòa, phù hợp giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc tự chủ về tài chính; giữa việc nâng cao chất lượng định hướng tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ với việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân; giữa phương thức quản lý mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp với phương thức quản lý báo chí.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, các cơ quan báo chí cần tập trung cao độ cho việc tuyên truyền việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo ông, báo chí cần chủ động đi trước định hướng dư luận xã hội để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh chóng được thực thi trong toàn hệ thống chính trị.

Chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của những người làm báo tại các cơ quan báo chí thuộc diện hợp nhất, kết thúc hoạt động, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, việc thực hiện chủ trương lần này rất quan trọng, cần thiết đối với nền báo chí cách mạng.

Theo ông, đây không chỉ đơn thuần là việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cơ quan báo chí một cách cơ học, mà mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền, để mỗi cơ quan báo chí mạnh hơn, vững tin xây dựng kỷ nguyên mới.

Đảng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động của việc sắp xếp, tinh gọn; sẽ có chính sách đầu tư nguồn lực để bảo đảm các cơ quan báo chí sau sắp xếp hoạt động ổn định và phát triển.

Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định đây là dịp để những người làm công tác báo chí cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm cần được tổ chức trang trọng, ấn tượng, thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button