Sáng 14/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Hậu Giang. Hình thức tiếp xúc bao gồm trực tiếp và trực tuyến; trong đó điểm cầu trực tiếp có 350 đại biểu, tại các huyện, thành phố, thị xã có 600 đại biểu.
Tháo gỡ khó khăn lớn về chính sách, quyền lợi khi người dân sử dụng bảo hiểm y tế
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vừa được Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Ông Trần Thanh Mẫn tin rằng, tân Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết đại hội của Đảng bộ tỉnh, hoàn thành Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin cơ bản để cử tri nắm về kỳ họp thứ 8 vừa qua. Theo đó, kỳ họp diễn ra trong 30 ngày nhưng thông qua 18 luật, 21 nghị quyết và thảo luận 10 luật mới. Các luật trên đều liên quan kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Đến giờ này, Chủ tịch Quốc hội cơ bản ký các luật và nghị quyết quan trọng của Quốc hội.
Trong đó có một luật sửa 4 luật về đầu tư tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Một luật sửa 9 luật liên quan vấn đề tài chính ngân sách, sửa luật đầu tư công.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, hiện Quốc hội đã cho chủ trương tách dự án đền bù tái định cư thành dự án độc lập, tin tưởng rằng tới đây các công trình, dự án sẽ triển khai nhanh. Đây là một tháo gỡ khó khăn lớn nhất.
Quốc hội cho thí điểm tồn đọng đất đai của các thành phố lớn. Tiếp đó là thí điểm chính sách nhà ở thương mại, đây cũng là vấn đề mới, ưu tiên giải quyết cho lực lượng vũ trang.
Trong các vấn đề được nêu, Chủ tịch Quốc hội tâm đắc việc sửa đổi luật liên quan chính sách bảo hiểm y tế.
Theo ông Mẫn, việc sửa đổi luật lần này là công bằng, minh bạch, không còn phân biệt địa giới hành chính, thông tuyến. Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được đi thẳng ở các bệnh viện có danh mục của Bộ Y tế về bệnh hiểm nghèo.
Gần 20 năm nay, chính sách bảo hiểm y tế chưa được thông tuyến, nhiều người dân khó khăn trong việc điều trị bệnh, nhất là những bệnh nặng vì thủ tục hành chính.
“Lần này, Quốc hội tháo gỡ khó khăn này sẽ tăng thêm danh mục thuốc cho bảo hiểm y tế, người dân có thể khám bảo hiểm y tế tại trạm y tế, trung tâm y tế huyện; tăng cường thuốc, bác sĩ khá, bác sĩ giỏi xuống xã, huyện. Nếu xã, huyện trang bị tốt nguồn thuốc, nhân lực thì dân không bao giờ đi lên tỉnh, trung ương. Những bệnh thông thường vào khám bảo hiểm có danh mục bao nhiêu loại thuốc được điều trị.
Tới đây UBND tỉnh phải chỉ đạo chặt chẽ ngành y tế, tăng cường tuyến y tế cơ sở thực hiện theo nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám, trị bệnh nhất là ở cơ sở”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong kỳ họp vừa rồi, Quốc hội quyết từ năm 2025 sẽ nghiêm cấm việc mua bán, sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Hàng triệu gia đình có con em lứa tuổi thanh thiếu niên rất lo ngại về tình trạng nghiện ma túy, chất kích thích với nhiều hình thức thì việc cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử được quyết định bắt đầu triển khai từ năm 2025.
Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp nhưng có nỗ lực và cố gắng rất lớn để vươn mình
Thông tin với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tăng trưởng của đất nước năm nay tăng trưởng 7%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 4.600USD, hộ nghèo còn 1,93%. 15/15 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đạt, vượt chỉ tiêu, đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua chúng ta đạt thành tích này.
Đối với Hậu Giang, ông biểu dương tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ hai ở ĐBSCL. Thu ngân sách được 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52%, được 42/51 xã về nông thôn mới, hộ nghèo còn 1,93%.
Ông cho rằng, một năm qua Hậu Giang phấn đấu đạt 18/18 chỉ tiêu là năm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được thành tựu này, tỉnh đã nỗ lực, lãnh chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, trong đó sức dân là chính. Tỉnh Hậu Giang với nền kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa nhiều, địa phương phát triển như thế này là sự cố gắng rất lớn.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh quan tâm chất lượng về giáo dục đào tạo. Nâng cao mọi mặt về trình độ cho nhân dân tỉnh nhà. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà nước và nhân dân cùng làm. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, có những sản phẩm chủ lực của tỉnh, xuất khẩu đi các nước.
Trả lời ý kiến của các cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với ý kiến về chế độ của Phó Chủ tịch HĐND xã thì khoản 3, điều 32, khoản 3 điều 60 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nêu rõ chức danh trong đó có Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Nghị quyết 1206 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định rõ đối tượng áp dụng luật công chức được trả lương phụ cấp trong đó cán bộ hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên trách thì không được hưởng.
Đại biểu nêu về đất đai, trong đó Luật đất đai đã nêu rõ các hình thức bồi thường nếu đủ các điều kiện. Nghị quyết 171 của Quốc hội thí điểm dự án nhà ở thương mại cũng đã quy định, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt Luật Đất đai 2024 quy định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, huyện trong việc rà soát, xử lý, công bố công khai việc thu hồi đất, điều chuyển mục đích sử dụng đất.
Trả lời ý kiến của cử tri ở thị xã Long Mỹ về sắp xếp đơn vị hành chính, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện nay 51/51 địa phương, tỉnh, thành phố đã sắp xếp và giảm được 17 huyện, 1.124 xã, giảm rất mạnh. Thời gian tới khi tinh gọn bộ máy theo chủ trương trung ương là nghiên cứu ý kiến của đại biểu, các địa phương rà soát tổng thể theo quy định, tổng hợp để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Buổi tiếp xúc ghi nhận 9 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các huyện, thành phố của tỉnh Hậu Giang với nhiều vấn đề chính sách tinh gọn bộ máy nhà nước; đền bù, tái định cư; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách cho vay vốn đầu tư máy móc, công nghệ khi tham gia đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao…
Cử tri Nguyễn Văn Hào (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) đề nghị, Quốc hội xem xét quy định chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho chức danh Trưởng ban, phó ban đối với hai Ban HĐND cấp xã, phường. Vì hiện nay theo quy định tại khoản 3 Điều 32 và khoản 3 Điều 60 của 3 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương Có quy định HĐND cấp xã phường được thành lập 2 Ban (Kinh tế – xã hội và pháp chế) nhưng không quy định chế độ phụ cấp.
Cử tri Nguyễn Thanh Hùng (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy) cho biết, từ khi lực lượng An ninh cơ sở được thành lập vào ngày 1/7 đến nay đã đi vào hoạt động được hơn 4 tháng. Qua quá trình hoạt động ở cơ sở có một số bất cập trong quy định của Luật.
Cụ thể, lực lượng này trực tiếp làm nhiệm vụ ở thôn, ấp khu vực (theo khoản 1, điều I của Luật ANCS), nhưng không chịu sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng ấp là rất khó. Trong khi đó, Trưởng ấp là do dân bầu ra, mọi thông tin phản ảnh liên quan đến ANTT thì Trưởng ấp là người tiếp nhận đầu tiên.
Chính vì vậy lực lượng này phải chịu sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng ấp đề chủ động, nhanh chóng, linh hoạt, kịp thời can thiệp khi tội phạm, tệ nạn xã hội vừa mới diễn ra, chưa gây hậu quả lớn cho xã hội.