Đời SốngVăn Hóa

Ngày vía Thần tài: Vì sao người thành phố hay đi mua vàng ngày này lấy hên?

Hôm nay là ngày vía Thần tài theo quan niệm của người Việt (mồng 10 tháng Giêng), nhiều nhà chuẩn bị mâm cúng hoặc đi mua vàng đầu năm lấy hên. Vậy ông Thần tài là ai, nguồn gốc tục mua vàng lấy hên từ đâu?

Mâm cúng ông Thần tài ngày mồng 10 tháng Giêng của một gia đìnhẢNH: H.T

Theo quan niệm của nhiều người Việt, mồng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài nên phải cúng kiếng, đi mua vàng để cầu tài lộc. Ông Hoàng Triệu Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương lại cho rằng, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt không có ông Thần tài. Thế nhưng bàn thờ lại vẫn thờ, vậy ông là ai?

Thần tài là ai?

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương, trong văn hóa truyền thống của người Việt chỉ có tục thờ cúng ông Địa chứ không có Thần tài, việc thờ cúng Thần tài mới chỉ xuất hiện từ hai chục năm trở lại đây do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc.Ở miền Bắc thì chỉ từ khi bắt đầu nền kinh tế mở cửa và việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc mới bắt đầu xuất hiện ông Thần Tài, còn ở miền Nam thì người Hoa vẫn duy trì phong tục này từ khi họ di cư và định cư tới Việt nam khoảng từ cuối thế kỷ 19.Ông Hải giải thích, Thần tài theo truyền thuyết của người Trung Hoa là ông Triệu Công Minh, người đời nhà Đường (618-904 ). Ông này được nhắc tới như một vị Thần tài trong Đạo giáo sớm nhất ở vào đời nhà Nguyên (1279-1368).Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc thì ngày sinh nhật của Thần tài là ngày mồng 5 tháng Giêng, còn tại Singapore hay Malaysia thì là ngày mồng 1 tháng Giêng. Vào ngày này thì họ thường đốt vàng mã Thần tài chứ không có tục lệ mua vàng bạc cầu may. Không có bất kỳ phong tục tập quán hay tài liệu cổ nào đề cập tới ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày Thần tài. 

Ngày vía Thần tài: Vì sao người thành phố hay đi mua vàng ngày này lấy hên? - ảnh 1
Trên bàn thờ thường có đĩa tam sên

“Ngay trong văn hóa dân gian Trung Hoa cũng tồn tại rất nhiều truyền thuyết không nhất quán về ông Thần tài. Tuy nhiên, hình ảnh chung nhất về ông Thần tài là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi và cưỡi cọp đen. Tại một số nơi khác ở Trung Quốc, Thần tài là hiện thân của Phạm Lãi, một trong ngũ lộ thần (5 vị thần cai quản cửa – cổng), hoặc Bỉ Cán ( Hoàng tử đời nhà Thương), hoặc Quan Vũ, hoặc đời nhà Thanh trong cuốn Doanh khẩu tạp ký của Chư An Nhân thì Thần tài hiện thân theo bóng của đèn lồng”, ông Hải chia sẻ.Từ đó, có thể thấy hình ảnh được mô tả chung nhất là hình ảnh này, một hình ảnh khác hoàn toàn với ông Thần tài mà chúng ta vẫn thường hay thấy hiện nay với vẻ mặt tươi cười, đội mũ tai chuồn và trên tay cầm thỏi vàng.Trong Phật giáo cũng tồn tại một vị Thần tài có tên là Jambahla và đây cũng là hình ảnh của vị Thần tài từ đạo Hindu có tên Kubera.Các vị thần này là những người bảo vệ và giữ của cải cho đấng tối cao theo Đạo giáo của vị thần đó, họ không phải là những vị thần ban phát tiền bạc cho nhân gian.Ông Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng, ở nước ta, Thần tài được thờ phổ biến trong các gia đình, nhất là ở các tỉnh Nam bộ. Ông là một vị gia thần của người Việt. Quan niệm của dân gian về Thần tài rất phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam hiện nay về ông Thần tài cũng có phần ảnh hưởng bởi Thần tài của Trung Quốc, gồm võ Thần tài và văn Thần tài.Câu chuyện về Thần tài được lưu truyền nhiều nhất trong dân gian được kể lại như sau: Thần tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần tài mặc trên người bị người dân đem đi bán.Ông phải đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời ăn, từ đó cửa hàng này lúc nào cũng tấp nập khách đến mua.Thời gian sau, chủ nhà thấy ông Thần tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa, từ đó cửa hàng này làm ăn sa sút, vắng khách. Thấy vậy, nhiều người kinh doanh khác đến mời Thần tài về, đưa đi mua quần áo mới cho mặc.

Ngày vía Thần tài: Vì sao người thành phố hay đi mua vàng ngày này lấy hên? - ảnh 2
Tục thờ ông Thần tài ở miền Nam phổ biến nhất trong cả nước

May mắn ông Thần tài tìm đến đúng cửa hàng để mua lại quần áo lúc trước rồi mặc lại quần áo của mình, đội mũ bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.Từ đó, để tưởng nhớ Thần tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần tài. Vào ngày này hằng năm người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần tài và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

Mua vàng ngày vía Thần tài để làm gì?

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo, người Việt thờ Thần tài với mong muốn mang đến tài lộc cho gia đình, gia đình sung túc, giàu có, thịnh vượng. Ở Nam bộ, Thần tài được thờ chung với ông Địa đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng Thần tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng.Cứ tới gần ngày vía Thần tài, nhiều tiệm vàng lại tấp nập khách đến mua vàng với mong muốn mua lấy hên đầu năm. Một số tiệm vàng nổi tiếng tại TP.HCM thậm chí người dân còn phải xếp hàng chờ tới lượt mới mua được miếng vàng như ý.Nhiều tiệm vàng dịp này cũng tung ra thị trường miếng vàng in hình linh vật của năm để người dân mua lấy hên. Ngoài mua vàng, người dân còn mua cá lóc nướng (vì ông Thần tài thờ chung với ông Địa) hay thịt quay (vì dân gian đồn ông Thần tài thích ăn thịt quay). Người miền Nam cúng còn có thêm đĩa tam sên (1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm luộc).”Người dân đi mua vàng ngày vía Thần tài hiện chỉ là thói quen ở những đô thị, thành phố lớn. Ở vùng nông thôn, việc mua vàng trong ngày vía Thần tài chưa phổ biến. Trong đời sống hằng ngày, người Việt cũng thói quen tích trữ vàng trong gia đình như của để dành nên đi mua vàng ngày vía Thần tài, vừa là để dành của cải, vừa để lấy lộc, lấy hên đầu năm”, ông Lộc nêu ý kiến. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button